Mới đây, UBND huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã ban hành kế hoạch: “Triển khai thực hiện chủ trương hạn chế tiến tới dừng dâng cúng, đốt vàng mã tại các điểm di tích, khu di tích trên địa bàn huyện Côn Đảo”.
Theo đó, UBND huyện Côn Đảo cho biết, thực hiện chủ trương của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa X về “hạn chế, tiến tới dừng cúng, đốt vàng mã trong các điểm, khu di tích trên địa bàn huyện” và ý kiến đồng thuận của Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh tại Công văn số 1051/SVHTT-QLVH&DSVH ngày 5/5/2023, UBND huyện xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện, cụ thể như sau:
Từ ngày 10/6/2023 - 10/9/2023: Tuyên truyền, quán triệt, vận động nhân dân và du khách hưởng ứng thực hiện.
Từ ngày 11/9/2023 - 30/9/2023: Hạn chế hướng tới dừng việc dâng cúng, đốt vàng mã tại các điểm di tích thuộc khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Côn Đảo.
Từ ngày 1/10/2023: Thực hiện việc dừng dâng cúng, đốt vàng mã trong các điểm di tích thuộc Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Côn Đảo. Nhân dân và du khách không mang vàng mã vào các di tích: Nghĩa trang Hàng Dương, Nghĩa trang Hàng Keo, Bia tưởng niệm di tích bãi sọ người, Bia tưởng niệm di tích Cầu Ma Thiên Lãnh, Bia tưởng niệm vượt ngục, Bia tưởng niệm cầu tàu 914, Đền thờ Côn Đảo…
Phần lớn du lịch đến Côn Đảo đều duy trì thói quen đốt vàng mã khi đến dâng hương tại các điểm, khu di tích...giúp công việc kinh doanh buôn bán Đồ lễ trở thành nguồn thu nhập chính của nhiều gia đình trên đảo
UBND huyện Côn Đảo nhấn mạnh, việc dừng dâng cúng, đốt vàng mã tại các điểm di tích là việc làm cần thiết nhằm tránh gây lãng phí, tốn kém, ô nhiễm môi trường và phòng tránh hỏa hoạn.
Ủng hộ kế hoạch của UBND huyện Côn Đảo, anh P.T.T. (ngụ huyện Côn Đảo) đánh giá, tục đốt vàng mã có ý nghĩa tốt đẹp hướng về tổ tiên, nguồn cội. Song, thời gian gần đây, tục lệ này ngày càng trở nên thái quá, khi vàng mã để đốt không chỉ có ý nghĩa tượng trưng mà còn gây lãng phí cho gia đình và xã hội, nguy cơ cháy nổ cao: “Dùng tiền thật, có giá trị kinh tế để mua những đồng tiền giấy, vàng mã rồi theo ngọn lửa thành tàn tro không chỉ lãng phí, mà con gây hại đến môi trường và sức khỏe của con người. Tôi ủng hộ bỏ tục lệ này càng sớm càng tốt” - anh P.T.T. nói.
Đồng quan điểm, chị L.T.N. (ngụ Côn Đảo) cũng bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ với kế hoạch của UBND huyện Côn Đảo: “Tục đốt vàng mã tốn giấy, từ đó tốn cây, gây ô nhiễm không khí, không nên duy trì tục lệ này vì sẽ kéo theo nhiều hệ lụy không đáng có”.
Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến ủng hộ, kế hoạch dừng đốt vàng mã tại các điểm di tích ở Côn Đảo cũng đang khiến một bộ phận người dân hoang mang, trong số này phần đông là các hộ dân kinh doanh buôn bán đồ lễ trên đảo.
Chị N.T.H.T. chủ của một tiệm kinh doanh đồ lễ ở huyện Côn Đảo cho biết, ngoài gia đình hiện còn có hơn 60 hộ kinh doanh khác cùng buôn bán đồ lễ trên đảo, qua đó tạo ra công ăn việc làm cho hàng trăm lao động với thu nhập ổn định. Quyết định dừng đốt vàng mã được thông báo đột ngột khiến hàng trăm con người thấp thỏm, lo lắng về công việc mưu sinh những ngày sắp tới.
“Trong bối cảnh cả nước cấm đốt vàng mã, chúng tôi tất nhiên phải chấp hành. Ở đây, điều chúng tôi cần là UBND huyện phải ban hành một lộ trình rõ ràng, để chúng tôi có thời gian chuẩn bị. Bao nhiêu năm nay chúng tôi mưu sinh bằng nghề này, chuyển đổi ngành nghề đối với người dân ở đảo không dễ dàng như ở đất liền, đâu phải muốn đổi là đổi được ngay” - chị N.T.H.T. nói.
Tương tự, anh L.V.T. chủ một cửa hàng đồ lễ ở Côn Đảo cũng lo lắng cho biết, UBND huyện Côn Đảo thông báo kế hoạch gấp gáp khiến người dân “trở tay” không kịp, bởi do cách xa đất liền nên lượng hàng nhập về rất lớn và nếu bị dừng đột ngột thì trước mắt, việc kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng rất nặng nề.
“Ngày 10/5 vừa qua, UBND huyện tổ chức họp với 5 chủ hộ kinh doanh đồ lễ, đại diện cho các hộ kinh doanh mặt hàng này nhưng không một ai đồng ý ký vào biên bản cuộc họp. Chúng tôi không chống đối, chúng tôi chỉ là đang hy vọng chính quyền địa phương đưa ra phương án “hợp lý hợp tình”, cho chúng tôi thêm thời gian” – anh L.V.T. bày tỏ.
Cũng trong tâm trạng lo lắng, chủ của một tiệm kinh doanh đồ lễ khác cho rằng, việc đốt vàng mã chưa đảm bảo môi trường cũng không nhất thiết phải cấm tuyệt đối. Thay vào đó, có thể quy định và thiết kế một chỗ riêng vừa không ảnh hưởng đến môi trường, vừa đảm bảo cuộc sống của người dân, như nghĩa trang Hàng Dương đã làm.
Trong khi đó, hầu hết các hộ dân kinh doanh buôn bán đồ lễ trên địa bàn huyện Côn Đảo đồng thuận cho rằng, công tác chấn chỉnh việc đốt vàng mã bừa bãi gây ảnh hưởng đến môi trường là cần thiết. Thế nhưng trước khi ban hành chủ trương, chính quyền cần khảo sát, lắng nghe ý kiến của người dân để giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực tới sinh kế của người dân trên đảo.
Liên quan đến kế hoạch dừng đốt vàng mã cũng như tâm tư của người dân, phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị đã nhiều lần liên hệ qua điện thoại với ông Lê Văn Phong - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo để tìm hiểu. Tuy nhiên, ông Lê Văn Phong không trả lời điện thoại.